Theo PGS.TS.BS Lê Bạch Mai (nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia; Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome), suy dinh dưỡng thấp còi thường gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Đây là tình trạng cơ thể thiếu hụt dưỡng chất, năng lượng, từ đó gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động và sự tăng trưởng thể chất, trí não.
Để giúp trẻ hồi phục và phát triển bình thường, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai khuyến cáo phụ huynh cần xác định chính xác nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ để chọn lựa phương pháp chăm sóc, điều trị phù hợp.
PGS.TS.BS Lê Bạch Mai cho biết suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng phần lớn đều do cách chăm sóc dinh dưỡng chưa hợp lý, tính từ giai đoạn mang thai đến khi trẻ ăn dặm.
Giai đoạn mang thai: Dinh dưỡng của mẹ trong thai kỳ bị thiếu hụt hoặc mất cân đối giữa các nhóm chất chính (đạm, béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất) là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bào thai bị suy dinh dưỡng, trẻ sinh non, thiếu cân và kéo dài cho đến khi trẻ sinh ra.
Giai đoạn 6 tháng đầu đời: Trẻ nhỏ trong giai đoạn 0-6 tháng tuổi nếu không được bú mẹ thường có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ bú mẹ nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng thấp còi. Điều này có thể do chế độ ăn uống của mẹ sau sinh không khoa học dẫn đến thiếu sữa, sữa mẹ thiếu chất... không đáp ứng được nhu cầu về dinh dưỡng để trẻ tăng trưởng.
Giai đoạn ăn dặm: Phụ huynh cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn, ăn không đúng nhu cầu độ tuổi, chế độ ăn uống mất cân bằng dưỡng chất, chế biến thực phẩm sai cách... cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí não của trẻ.
Để đảm bảo trẻ phát triển toàn diện, phòng tránh và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai lưu ý phụ huynh những vấn đề sau:
Trong thời gian mang thai, người mẹ nên thực hiện chế độ ăn uống bổ sung đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng từ các nhóm chất: bột đường, béo, đạm, vitamin và khoáng chất. Chế độ cụ thể cần có sự tham vấn của bác sĩ tùy theo từng trường hợp thai phụ.
Sau sinh, người mẹ nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời. Trẻ bú mẹ sẽ phát triển khỏe mạnh, ít mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, kém hấp thu, viêm hô hấp, thiếu sắt, thiếu máu, phòng tránh suy dinh dưỡng hiệu quả.
Nếu sữa mẹ bị thiếu chất không đáp ứng đủ dinh dưỡng cho trẻ phát triển, mẹ có thể đi xét nghiệm sữa mẹ để xác định thành phần dinh dưỡng trong sữa đủ hay thiếu. Bác sĩ sẽ tư vấn điều trị dinh dưỡng phù hợp giúp sữa mẹ đạt chất lượng cao nhất.
Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, phụ huynh cần lưu ý cho trẻ ăn uống đa dạng dưỡng chất và đảm bảo vệ sinh như ăn chín, uống nước đun sôi để nguội; thức ăn sau khi nấu xong nên cho trẻ ăn ngay, tránh để nguội quá 3 tiếng. Chọn lựa thực phẩm tươi sống, sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm và chế biến, bảo quản đúng cách giúp phòng tránh một số bệnh lý ngộ độc thức ăn, tiêu chảy...
Trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng thường đi kèm các triệu chứng kén ăn, rối loạn tiêu hóa, sức đề kháng kém. Lúc này, bố mẹ cần đặc biệt chú ý cách nuôi dưỡng, chăm sóc. Thay vì cho trẻ ăn lượng thực phẩm quá nhiều trong một bữa, bố mẹ nên chia thành nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa một ít để cung cấp đủ năng lượng cần thiết. Trẻ 1- 2 tuổi ngoài bú cần cho ăn thêm 4 bữa mỗi ngày. Trẻ 3-5 tuổi cần ăn khoảng 5-6 bữa mỗi ngày.
Trong chế độ ăn hàng ngày cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, bố mẹ nên đảm bảo cân bằng các nhóm chất và đa dạng thực phẩm giúp trẻ tránh tình trạng biếng ăn.
Ngoài ra, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai cũng khuyến khích bố mẹ tạo điều kiện để trẻ vận động, tắm nắng ngoài trời, nghỉ ngơi đầy đủ và đúng giờ. Tập cho trẻ thói quen giữ vệ sinh cá nhân, khi bị bệnh thì chăm sóc đúng cách, điều trị kịp thời... để hỗ trợ trẻ thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi hiệu quả, đạt mục tiêu nhanh.
"Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp phòng tránh cũng như quyết định tính hiệu quả của điều trị suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em. Do đó, phụ huynh nên có sự đầu tư đúng mực cho khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. Bố mẹ cần đưa trẻ đi khám, làm các xét nghiệm chuyên sâu, giúp phát hiện chính xác trẻ bị suy dinh dưỡng như thế nào, cơ thể đang thiếu, thừa chất gì... Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn, chỉ định điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ hiệu quả", PGS.TS.BS Lê Bạch Mai nhấn mạnh.