1. Vì sao trẻ em dễ mắc các bệnh đường hô hấp?
Dưới đây là những nguyên nhân khiến trẻ nhỏ dễ mắc các
bệnh đường hô hấp:
- Hệ hô hấp của trẻ chưa phát triển toàn diện: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi chưa phát triển hoàn thiện hệ hô hấp. Do đó, vi khuẩn rất dễ dàng xâm nhập và tấn công hệ hô hấp của trẻ. Bên cạnh đó, khi bị viêm đường hô hấp trên, trẻ thường thở bằng miệng. Điều này sẽ khiến cho vi khuẩn từ miệng có cơ hội xuống thanh quản, gây ra ho và viêm nhiễm đường hô hấp dưới.
- Đặc điểm về hô hấp của trẻ: Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, màng phổi mỏng, độ đàn hồi của phổi thấp vì thế, phổi rất yếu và dễ dàng bị viêm. Tình trạng
viêm phổi của trẻ không được xử lý kịp thời có thể dẫn tới
suy hô hấp. Đường thở của trẻ ngắn và hít thở nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ hít vào các loại virus, vi khuẩn gây bệnh từ môi trường.
- Hệ miễn dịch yếu: Hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện, vì thế còn yếu và rất dễ bị vi khuẩn tấn công.
2. Các bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp và phổ biến nhất là những loại bệnh dưới đây:
- Cúm: Khi bị cúm, trẻ thường có triệu chứng sốt cao, ho, sổ mũi, đau cơ, mệt mỏi và một số triệu chứng về đường tiêu hóa. Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn tới viêm phổi hay hội chứng nhiễm khuẩn thứ phát và có thể gây tử vong.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (nhiều người gọi là cảm lạnh): Bệnh này rất phổ biến. Trẻ thường bị cảm lạnh từ 6 đến 8 lần/năm với những biểu hiện như đau họng, sổ mũi, sốt, hắt hơi, đau nhức cơ thể. Loại bệnh này ít nguy hiểm hơn so với bệnh cúm và nguy cơ dẫn đến viêm phổi thứ phát cũng thấp hơn.
Trẻ có thể tự khỏi bệnh sau khoảng vài ngày. Trong quá trình chăm sóc trẻ, mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi, uống nước nhiều. Lưu ý không nên sử dụng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
- Hen suyễn: Trẻ bị hen suyễn thường gặp phải một số triệu chứng nguy hiểm như ho
tức ngực, thở nhanh, khò khè, khó thở, thở rít,... Cơn hen có thể xảy ra khi trẻ hít phải phấn hoa, bụi, lông thú cưng hay một số hóa chất gây dị ứng,...
Những trẻ bị hen suyễn có nguy cơ tiến triển nặng và có nguy cơ bội nhiễm thành viêm phổi, viêm phế quản. Vì thế, các bậc phụ huynh không nên chủ quan mà hãy đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám và hướng dẫn cách chăm sóc con, cách xử trí khi xảy ra cơn hen để phòng tránh những biến chứng đáng tiếc.
- Viêm xoang hay nhiễm trùng xoang: Là tình trạng những mô bên trong xoang bị sưng, viêm dẫn đến tích tụ dịch trong túi khí ở phía sau mũi và mắt, dẫn tới nhiễm trùng.
Khi mắc bệnh, trẻ có thể gặp phải một số biểu hiện như hụt hơi, khó thở, có dịch chảy ở mũi, hôi miệng và hay buồn nôn. Nên thường xuyên dùng bình rửa xoang cho trẻ nhằm hạn chế nguy cơ viêm nhiễm. Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ bị viêm xoang kéo dài thì cần thực hiện phẫu thuật mới giải quyết bệnh triệt để. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp.
- Viêm phế quản: Bệnh thường do virus gây ra. Đây là tình trạng viêm các ống thở lớn trong phổi. Triệu chứng phổ biến của bệnh là tình trạng ho kéo dài, có thể kèm theo một số triệu chứng khác như thở khò khè, sổ mũi, tức ngực, mệt mỏi, ớn lạnh
- Viêm thanh khí phế quản: Bệnh thường gặp ở những đối tượng từ 3 tháng đến 5 tuổi và do virus gây ra. Là tình trạng thanh quản và khí quản bị sưng khiến đường thở của trẻ bị thu hẹp, khi hô hấp trẻ thường thở rít hay có giọng khàn hơn bình thường.
Với những trường hợp này, mẹ nên để bé nghỉ ngơi, hoặc có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ. Lưu ý, thường xuyên vệ sinh nhà cửa để không khí luôn trong lành, sạch sẽ giúp trẻ dễ thở hơn, nhất là vào ban đêm.
- Viêm họng do liên cầu khuẩn: Căn bệnh này rất phổ biến ở trẻ em. Nếu không được can thiệp điều trị sớm có thể dẫn tới biến chứng nghiêm trọng như sốt thấp khớp, bệnh về thận, hệ thần kinh và tim.
- Viêm phổi: Nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách, viêm phổi có nguy cơ cao dẫn đến tử vong. Do đó, nếu thấy trẻ có những triệu chứng bất thường như ho, thở nhanh, tức ngực, buồn nôn, môi tím tái bố mẹ nên đưa con đi khám sớm.
- Suy hô hấp cấp: Trẻ bị suy hô hấp thường có những triệu chứng như khó thở, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp rồi giảm dần. Một số nguyên nhân gây suy hô hấp cấp có thể kể đến như tổn thương ở phổi, các bệnh lý về đường thở, bệnh về não,... Đặc biệt trẻ sinh non là đối tượng dễ bị suy hô hấp cấp.
3. Phòng ngừa bệnh đường hô hấp ở trẻ bằng cách nào?
Để phòng tránh bệnh đường hô hấp ở trẻ em, hạn chế nguy cơ biến chứng và phòng tránh nguy cơ lây bệnh cho những trẻ khác nếu trẻ đã mắc bệnh, cha mẹ cần lưu ý:
- Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng nước ấm hoặc xà phòng, dung dịch sát khuẩn.
- Hướng dẫn trẻ khi ho hoặc hắt hơi cần phải che miệng bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay, tránh dùng tay.
- Hướng dẫn trẻ hạn chế chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc trẻ đã bị bệnh thì không nên cho trẻ tiếp xúc với những người khác.
- Không tùy tiện cho trẻ dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.