Hiện tại thị trường sách dành cho thiếu nhi vô cùng đa dạng với không chỉ các tác giả Việt Nam mà bao gồm cả các tác phẩm văn học nước ngoài được mua bản quyền. Bên cạnh nội dung đa dạng, hình thức đọc truyện cho bé cũng được cải tiến và đổi mới không ngừng như sách, truyện âm thanh, sách lật mở, .... Lựa chọn sách như nào cho phù hợp với trẻ nên là vấn đề đầu tiên được chúng ta quan tâm.
Với các bạn nhỏ bắt đầu làm quen với sách thì việc lựa chọn các sách có hình thức trình bày mới lạ như sách chiếu bóng, sách kèm âm thanh,.. sẽ dễ thu hút sự chú ý của trẻ. Nội dung cha mẹ nên lựa chọn những quyển sách liên quan đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như đánh răng, mặc quần áo,... hình ảnh có màu sắc tươi sáng và minh họa dễ hiểu. Các câu chữ được sử dụng ở đây thường ngắn gọn, dễ hiểu để phù hợp với trẻ.
Và khi trẻ đã hiểu những câu dài hơn, tập trung theo dõi được câu chuyện trong khoảng 3-5 phút, cha mẹ có thể cho con được lựa chọn những cuốn sách mà con thích ngoài việc lựa chọn sách mà chúng ta thấy phù hợp với con. Những cuốn sách ở giai đoạn này sẽ có nhiều chữ hơn, các câu văn dài và sử dụng nhiều từ loại khác nhau để cung cấp vốn từ thích hợp với khả năng của trẻ. Nội dung sách cho trẻ ở giai đoạn này cũng được mở rộng hơn như bài học cuộc sống, những câu chuyện có nhiều nhân vật và có sự tương tác giữa các nhân vật với nhau.
Thật tiếc nếu chúng ta lại sử dụng một giọng điệu không thay đổi trong cả một câu chuyện khi đọc sách cùng con. Với bất kể quyển sách nào, trẻ cực kỳ dễ bị thu hút bởi việc sử dụng các giọng điệu cao thấp, âm thanh cảm thán hay đôi lúc là khoảng nghỉ giữa các câu, các trang sách. Một tiếng suỵt, một tiếng ồ sẽ kéo lại sự tập trung chú ý của trẻ hay thậm chí là tạo cho con sự thích thú một cách bất ngờ.
Thông qua việc sử dụng các quãng giọng khác nhau, trẻ có thể hướng sự chú ý đến các nội dung chính trong câu chuyện. Mỗi nhân vật được gắn với một giọng nói sẽ khiến trẻ dễ hình dung ra sự khác nhau giữa các nhân vật và đôi lúc, trẻ sẽ bắt đầu có khái niệm về người lớn tuổi, trẻ nhỏ hay trẻ trai và trẻ gái qua việc sử dụng giọng điệu một cách phù hợp trong khi đọc truyện. Điều này cũng rất cần thiết với việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
3. Lên kế hoạch về việc đọc sách
Không phải trẻ nào cũng thích đọc sách. Và không phải cha mẹ nào cũng ý thức được việc xây dựng kế hoạch về việc đọc sách hay đọc truyện cho bé. Với trẻ, ban đầu chúng ta nên hình thành cho trẻ thời gian đọc sách cho con vào một thời điểm nhất định để tạo thói quen đọc sách tốt cho con. Việc hình thành một thói quen cho trẻ sẽ khiến trẻ có ý thức hơn về việc đọc sách và tạo nền tảng cho sự chủ động đọc sách ở trẻ sau này.
4. Hãy để con tham gia cùng đọc sách
Cha mẹ nên giữ vai trò là người dẫn dắt, đồng hành cùng con trong cả quá trình đọc sách. Thay vì hoàn thành mục tiêu đọc hết câu chuyện, hãy chú ý đến những hình ảnh, các chi tiết làm con chú ý, hứng thú. Sau đó, dựa trên sự hứng thú của con, cùng con đọc lại câu chuyện và để con có cơ hội thể hiện sự quan tâm của mình bằng cách gọi tên hay chỉ vào sợ vật đấy. Đó có thể là những hình ảnh bông hoa, lá cây nhỏ xíu mà con yêu thích.
Khi trẻ đã có khả năng diễn đạt suy nghĩ của mình bằng câu hay cụm từ, sau mỗi trang sách, cha mẹ có thể dừng lại và cùng con đoán xem trang sau sẽ là gì. Con vật nào sẽ xuất hiện, chuyện gì sẽ xảy ra hay thậm chí là tại sao con lại đoán như vậy?
Việc đọc sách sẽ thú vị hơn biết bao nếu trẻ được tham gia vào việc đọc sách thay vì giữ vai trò người nghe, chỉ nhận thông tin một chiều.
5. Cùng sáng tạo với những câu chuyện
Gợi ý này sẽ dành cho những bạn có khả năng tưởng tượng và có thể diễn đạt lời nói thành các câu ngắn. Chúng ta sẽ nhiều cách để sáng tạo cùng các câu chuyện quen thuộc.
- Tưởng tượng trẻ/ những người/ đồ vật/ con vật quen thuộc thành các nhân vật trong truyện.
- Nghĩ ra một câu chuyện khác cho các nhân vật trong chuyện.
- Nghĩ một cái kết khác cho câu chuyện.
- Trẻ đóng vai một nhân vật trong truyện và tập kể lại câu chuyện.
- Phân vai đóng kịch và tái hiện lại câu chuyện qua diễn xuất của các nhân vật.
- Kể lại chuyện với các con rối.
Trên đây được coi là những biện pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ rất đơn giản và cha mẹ có thể áp dụng để phát triển cùng con mỗi ngày. Hy vọng có thể mang đến cho trẻ những trải nghiệm tuyệt vời trong từng giai đoạn.